Đánh giá về độ an toàn Sự cố tàu lặn Titan 2023

Độ an toàn

Tàu lặn Titan hoạt động trong vùng biển quốc tế nên không chịu ảnh hưởng từ bất kì bộ luật quy định an toàn nào và không được chứng nhận an toàn từ bất kì một tổ chức quản lý nào.[39] Nhà văn và phóng viên công nghệ David Pogue sau khi hoàn thành chuyến thám hiểm năm 2022 cho chương trình CBS News Sunday Morning[40] nói rằng tất cả hành khách muốn bước vào tàu lặn Titan cần phải kí một bản hợp đồng từ bỏ trách nhiệm và xác nhận rằng Titan là một tàu lặn "thử nghiệm" và "chưa được phê chuẩn hay chứng thực từ bất kì một tổ chức quản lý nào, và hành khách có thể bị chấn thương, khuyết tật, sang chấn tâm thần hoặc tử vong".[41] Nhà sản xuất truyền hình Mike Reiss cũng hoàn thành chuyến đi và nói rằng bản hợp đồng "nhắc đến việc tử vong ba lần ở trang đầu tiên".[42]

Một bài báo trong tạp chí Smithsonian năm 2019 gọi CEO OceanGate Stockton Rush là một "nhà phát minh liều lĩnh".[13] Bài báo trích dẫn một lời phát biểu của Rush khi chỉ trích Đạo luật An toàn Tàu chở khách Hoa Kỳ năm 1993 là "ưu tiên an toàn cho hành khách không cần thiết hơn những sáng chế thương mại".[13][43] Trong một buổi phỏng vấn với CBS News năm 2022, Rush nói:

"Đến một lúc nào đó, sự an toàn là thừa thãi. Ý tôi là, nếu bạn muốn được an toàn thì đừng bước ra khỏi giường nữa. Đừng bước vào trong xe. Đừng làm bất cứ một cái gì hết".[44]

— Stockton Rush

Trong một buổi phỏng vấn khác vào năm 2021, Rush thừa nhận: "Tôi đã phải phá vỡ một vài quy tắc để có thể chế tạo ra Titan. Tôi nghĩ tôi phá vỡ chúng dựa trên logic và kinh nghiệm kỹ thuật của tôi. Sợi carbon và titan, có một quy tắc mà bạn không được phá vỡ. Vậy mà tôi phá rồi đấy".[45]

OceanGate tuyên bố Titan là tàu lặn duy nhất sử dụng RTM, "hệ thống tích hợp theo dõi độ bền thời gian thực". Công nghệ RTM thuộc quyền sở hữu của Rush sử dụng cảm biến âm thanh và máy đo áp suất để phân tích tác động của áp lực nước biến thiên theo độ sâu của tàu lặn và theo dõi tính toàn vẹn của vỏ tàu. Hệ thống này được quảng bá là sẽ đưa ra cảnh báo từ sớm và cho phép tàu lặn có đủ thời gian để nổi lên trở lại mặt nước.[46][47]

Lo ngại từ trước

Năm 2018, David Lochridge, giám đốc điều hành hàng hải của OceanGate, biên soạn một bản báo cáo về các mối lo ngại về độ an toàn của tàu lặn Titan. Trong bản ghi chép toà án, Lochridge yêu cầu công ty đánh giá và cho cơ quan quản lí phê chuẩn độ an toàn của Titan, nhưng OceanGate từ chối. Ông cũng nêu ra rằng cửa kính ở khoang quan sát phía trước tàu lặn chỉ có thể chịu đựng được tối đa ở độ sâu 1.300 m (4.300 ft), chỉ 1⁄3 độ sâu cần thiết để thám hiểm Titanic. Lochridge cũng bày tỏ mối lo ngại về việc OceanGate không thực hiện quá trình thử nghiệm vỏ tàu trước khi cho phép đưa vào hoạt động, và khẳng định rằng ông "liên tục được báo rằng do độ dày của vỏ tàu nên không thể thực hiện kiểm tra đảm bảo lớp keo dán các lớp của tàu lặn.

OceanGate đáp trả lại rằng Lochridge không phải là kĩ sư lắp ráp của tàu và không đồng ý chấp thuận quá trình kiểm độ an toàn của đội kĩ thuật OceanGate, và lí luận rằng đánh giá vỏ tàu Titan của công ty là chuẩn xác hơn đánh giá của các bên thứ ba mà Lochridge yêu cầu. OceanGate kiện Lochridge với lí do vi phạm hợp đồng bảo mật của công ty và khai báo sai sự thật. Lochridge phản tố và cho rằng buộc tội ông với lí do đề ra các mối lo ngại về độ an toàn của Titan khi vận hành là không có cơ sở. Hai bên giải quyết xong vụ kiện vài tháng sau.

Cuối năm 2018, Hiệp hội Công nghệ Biển viết một lá thư gửi đến Rush bày tỏ "mối lo ngại nhất trí về quá trình phát triển của 'TITAN' và chuyến thám hiểm Titanic" và chỉ ra rằng "phương pháp thử nghiệm hiện tại ... có thể gây ra hậu quả tiêu cực (từ nhẹ đến nặng) và ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi người trong ngành". Người viết lá thư sau này nói với tờ The New York Times rằng Rush đã gọi điện lại cho ông sau khi đọc lá thư và nói rằng các tiêu chuẩn công nghiệp đang ngăn chặn bước tiến trong tương lai.

Tháng 3 năm 2018, Rob McCallum, chuyên gia dẫn đầu thám hiểm biển sâu, gửi email cho Rush và cảnh báo rằng Rush đang mạo hiểm sự an toàn của khách hàng, và khuyên ông không nên đưa tàu lặn vào sử dụng cho đến khi tàu được kiểm nghiệm độc lập độ an toàn. McCallum viết: "Tôi cầu khẩn ngài hãy thật cẩn thận trong quá trình kiểm tra và thử nghiệm tàu lặn và phải cực kì, cực kì thận trọng". Rush đáp lại rằng ông đã "quá mệt mỏi với những doanh nhân công nghiệp cố sử dụng cái lí do về độ an toàn để trì trệ sự sáng tạo ... Chúng tôi đã nghe quá nhiều những lời cầu xin vô căn cứ rằng 'ông sẽ giết ai đó mất'. Tôi cảm thấy rất xúc phạm trước điều này". McCallum sau đó gửi thêm một email cho Rush và viết rằng: "Tôi nghĩ rằng ông đang tự đặt chính ông và khách hàng trong một tình thế nguy hiểm. Lúc ông mải mê đua để xem tàu Titanic thì ông lại lặp lại câu nói nổi tiếng đó: 'Chiếc tàu này không chìm được đâu' ". Lluật sư của OceanGate sau đó đe dọa sẽ kiện McCallum ra tòa.

Năm 2022, diễn viên và dẫn chương trình người Anh Ross Kemp, trước đó đã thực hiện nhiều chuyến lặn dưới biển sâu cho kênh truyền hình Sky History, dự định sẽ đánh dấu kỉ niệm lần thứ 110 ngày tàu Titanic bị đắm bằng cách quay một bộ phim tư liệu bằng tàu Titan để lặn xuống đáy biển xem tàn tích của Titanic. Dự án này sau đó bị hoãn do công ti sản xuất Atlantic Productions cho rằng tàu lặn Titan không an toàn và không phù hợp.

Các sự cố trước đó

Năm 2022, phóng viên David Pogue khi đang ở trên tàu liên lạc trên mặt biển thì Titan đột ngột mất liên lạc và không thể tìm được vị trí của tàu Titanic. Buổi phỏng vấn Stockton Rush vào tháng 12 năm 2022 cho CBS News Sunday Morning, trong đó Pogue hoài nghi về độ an toàn của Titan, lan truyền nhanh chóng và trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi tàu lặn gặp sự cố mất liên lạc vào tháng 6 năm 2023. Trong buổi phỏng vấn, Pogue bình luận rằng "chiếc tàu lặn này có vẻ như có cái chất 'làm đến đâu, hay đến đó' như MacGyver". Pogue đưa tin rằng chiếc điều khiển trò chơi không dây Logitech F710 giá 30 đô-la được sử dụng để điều khiển tàu lên xuống và quay, và ống thép xây dựng được dùng làm vật dằn tàu.

Trong một chuyến lặn khác vào năm 2022, một trong những động cơ của Titan bị lắp ngược và khiến cho tàu lặn xoay vòng tròn khi tiến về phía trước. Theo phim tài liệu của BBC Take Me to Titanic, sự cố này được khắc phục bằng cách cầm tay cầm điều khiển ngang. Theo một hồ sơ tòa án tháng 11 năm 2022, OceanGate báo cáo rằng trong một chuyến lặn vào năm 2022, tàu lặn Titan gặp vấn đề về pin và cần phải gắn tàu với một bệ nổi bằng tay, khiến cho phần vỏ ngoài của tàu bị hư hại.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự cố tàu lặn Titan 2023 https://www.wsj.com/articles/u-s-navy-sends-salvag... https://www.npr.org/2023/06/20/1183273102/titan-mi... https://web.archive.org/web/20230621065713/https:/... https://www.bbc.com/news/world-us-canada-65953872 https://web.archive.org/web/20230619134256/https:/... https://edition.cnn.com/americas/live-news/titanic... https://www.bbc.co.uk/news/live/world-us-canada-65... https://web.archive.org/web/20230622094614/https:/... https://www.nytimes.com/live/2023/06/22/us/titanic... https://www.wsj.com/articles/u-s-navy-detected-tit...